Gia Kiem Student Network
Register now to become a member of GKSN - Gia Kiem Student Network
Gia Kiem Student Network
Register now to become a member of GKSN - Gia Kiem Student Network
Gia Kiem Student Network
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhPortalLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

Share | 
 

 Luật tục thời hiện đại

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
giakiemsn

giakiemsn

Tổng số bài gửi : 286
Points : 668
Thanks : 49
Join date : 05/03/2010

Luật tục thời hiện đại Empty
Bài gửiTiêu đề: Luật tục thời hiện đại   Luật tục thời hiện đại I_icon_minitimeWed May 12, 2010 6:18 am

TT - Những câu chuyện luôn gây giật mình bởi nó không chỉ diễn ra ở những chốn thâm u cùng tận, mà đôi khi người trong cuộc là những người có trình độ nhất định, thậm chí là thầy giáo ở buôn làng. Ranh giới giữa sự trong sáng tích cực của luật tục và những hà khắc rùng rợn của hủ tục... vẫn còn là khoảng cách mong manh giữa chốn đại ngàn...

Năn tu mí


Những già làng lớn tuổi người Ja Rai cho biết người Ja Rai bao đời nay quan niệm “con chim con sống phải có chim mẹ, con chim non yếu thì về với atâu (tổ tiên, ông bà)”. Nếu trái luật thì yàng giận mà nổi dông bão, mặt trời sẽ thiêu cháy buôn làng! Bởi vậy, nếu một đứa trẻ sinh ra mà không có cha, bị què quặt, sức khỏe quá yếu hoặc người mẹ chết vì lý do nào đó thì đứa trẻ đó cũng phải bị chôn sống theo luật năn tu mí (tiếng Ja Rai là nar tui mih).
Kỳ 1: Chống chọi “năn tu mí”


11 lần sinh con thì có bốn lần người cha khốn khổ ấy nuốt nước mắt nhìn người làng chôn những khúc ruột của mình. Bao nhiêu năm đi bộ đội, ngày trở về ông mang trong mình chất độc da cam để rồi sinh ra những đứa con què quặt. Trước kia, mỗi lần vợ Kbôr Yoang sinh con yếu là người dân buôn Ji A (xã Krông Năng, Krông Pa, Gia Lai) lại kéo đến nhà để đem những đứa trẻ vô tội chôn sống theo luật tục “năn tu mí” của người Ja Rai.

Luật tục thời hiện đại ImageView
Cựu chiến binh Kbôr Yoang chăm sóc H’Đốt, đứa con gái khốn khổ ông đã moi lên từ lòng đất - Ảnh: T.B.D.

“Hãy để nó về với atâu!”

Chiều xuống, Kbôr Yoang lại một mình lẳng lặng ra một mô đất sát con suối Ea Krông, nơi những đứa con đầu tiên của ông đã bị người làng chôn theo tục năn tu mí: “Mình cũng không biết nó là con trai hay con gái!”. Ngày H’Che sinh đứa con đầu tiên, nó không phải là đứa trẻ bình thường: đầu to, đôi mắt lớn và cái miệng méo xệch. Cả làng hốt hoảng cho rằng đó là điềm chẳng lành nên tìm mọi cách bắt gia đình Kbôr đem đi chôn.

Mùa rẫy năm sau, H’Che lại tiếp tục trở dạ trong sự lo lắng đến tột cùng của Kbôr Yoang. Linh tính không sai, đứa con thứ hai cũng mang thân hình dị dạng: đỏ hỏn như một miếng thịt bò, cái đầu thì lớn và đôi mắt thì lồi ra như mắt con hoẵng trên rừng, hai bàn chân và hai bàn tay cụt như chân con ngựa, rồi đây lớn lên nó cũng sẽ không tự đi được.

Nghe tin dữ, lũ làng lại kéo đến bủa vây đôi vợ chồng khốn khổ. Kbôr ôm khúc thịt còn đỏ hỏn trên tay mình trước sự hung hãn của lũ làng. Bà Ne H’Lui, mẹ của H’Che, giật đứa trẻ và hét lớn: “Mày không đem nó đi chôn thì làng sẽ gặp nạn mà chết hết cả, nó yếu thì theo lệ của người Ja Rai cứ để tao chôn nó về với atâu (ông bà, tổ tiên)”.

Lũ làng nghe vậy cũng ùa theo. Thế nhưng, già làng Nay Chinh cất giọng: “Thằng Kbôr Yoang mày sinh con thì hãy giữ lấy mà nuôi chứ sao lại chôn đi”. Bất thần, Kbôr giật đứa con từ tay bà Ne H’Lui và quả quyết: “Tao sẽ nuôi nó sống cho lũ làng coi”. Sau khi quyết tâm giữ lại đứa trẻ tật nguyền, vợ chồng Kbôr Yoang đã phải chấp nhận chịu phạt bò và rượu để dân làng làm lễ tạ tội với yàng.

Những mùa rẫy kế tiếp, đứa con gái mà Kbôr giành lại từ tay người làng được đặt tên là H’Đốt. Trái ngược với lời nguyền “rồi nó cũng bị yàng phạt mà chết yểu”, H’Đốt vẫn lăn lóc lớn lên giữa những nghiệt ngã của buôn làng như câu chuyện cổ tích Sọ Dừa xa xưa.

Sau H’Đốt, chị H’Che tiếp tục sinh những đứa con. Thế nhưng, Kbôr Yoang lại phải thêm hai lần ôm con đi chôn khi lần lượt các đứa thứ bảy, thứ tám chết ngay trong bụng mẹ. Nỗi đau như trăm ngàn vết cứa, nhưng đau đớn nhất vẫn là lũ làng luôn đổ dồn mọi ánh mắt về những đứa con mà H’Che sinh ra để chôn sống nếu thấy chúng yếu.

Đi qua lời nguyền


Một đêm vào năm 1994, H’Che lại ôm bụng trở dạ trong cơn đau đớn. Sau những đứa con lành lặn, cả hai vợ chồng vẫn không hết lo sợ những đứa con mới lại không thành hình người như ba đứa trước.Thế nhưng, lần này trước mặt Kbôr Yoang lại thêm một thằng bé dị dạng với cái đầu phình lớn, đôi mắt tròn vo và xếch ngược như mắt con hoẵng. Nó không có chân cũng chẳng có tay.

Đêm ấy lũ làng lại kéo đến đông lắm, họ đòi chôn sống thằng bé này để đưa về với atâu. Lòng đau như xé, nghĩ nó sống cũng sẽ khổ nên Kbôr Yoang nhắm mắt để người làng ôm khúc ruột của mình đi chôn. Thế nhưng, lúc người làng buôn Ji A bắt đầu đặt thằng bé xuống cái hố đất còn tươi thì bỗng nó gào khóc dữ dội. Bản năng làm cha trỗi dậy, Kbôr Yoang lao tới giật thằng bé rồi phóng chạy trong đêm tối.

Sau khi cứu được con, Kbôr Yoang chạy về cầm thanh nứa cắt rốn thằng bé lúc ấy đang gào khóc rồi lấy nước tắm rửa, đặt nó nằm bên cạnh người vợ đang cạn khô nước mắt vì thương con. Bắt được hơi ấm từ bầu vú mẹ, thằng bé vừa được lôi lên từ lòng đất nằm im thin thít như đứa trẻ sợ bị người lớn đánh, nó nằm ngủ ngon lành.

Sau khi được cứu, điều kỳ lạ là Nay Đ’Reng gần như lớn nhanh hơn người bình thường, thách thức mọi huyễn hoặc của lũ làng. Nhiều năm trôi qua dân làng vẫn bình yên, thằng bé mặc dù không có tay, không có chân nhưng vẫn cười nói và quấn lấy vợ chồng Kbôr Yoang như những đứa trẻ bình thường. Lúc này, nhiều người làng mới tin Kbôr Yoang đã đúng.

Suốt câu chuyện, Kbôr Yoang luôn cúi mặt xuống vì đau đớn. Ông kể từ ngày để người làng chôn những đứa con của mình đến nay đêm nào ông cũng ngủ không yên, cứ nhắm mắt lại là thấy khuôn mặt dị dạng của những đứa trẻ nhìn ông hết cười rồi lại khóc. Vừa trách làng lại vừa trách mình, dẫu sao cũng vào sinh ra tử trên chiến trường bom đạn nhưng cuối cùng lại không vượt qua được tục lệ của làng. “Tao nghĩ nó phải đẹp trai lắm, nếu cứu được nó thì giờ tao đã có thêm những đứa con rồi. Mỗi lần đi uống rượu thấy đồng đội, người làng nhà nào cũng con cái nguyên vẹn mà không hiểu sao tao lại khổ đến vậy”- Kbôr Yoang nghẹn ngào.

Giờ đây, bảy đứa con còn sống của Kbôr Yoang và H’Che đứa lành lặn đến tuổi thì đã đi lấy chồng, riêng cậu bé tật nguyền sống lại từ cõi chết Nay Đ’Reng giờ đã là học sinh giỏi tại Trường trung học Dân tộc nội trú Krông Pa.

THÁI BÁ DŨNG
Về Đầu Trang Go down
giakiemsn

giakiemsn

Tổng số bài gửi : 286
Points : 668
Thanks : 49
Join date : 05/03/2010

Luật tục thời hiện đại Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Luật tục thời hiện đại   Luật tục thời hiện đại I_icon_minitimeWed May 12, 2010 9:18 am

Luật tục thời hiện đại - Kỳ 2: Chuyện của thầy giáo Kpă Bâu

TT - Gặp chúng tôi, thầy giáo Kpă Bâu, giáo viên Trường THCS Lê Lai (huyện Krông Pa, Gia Lai), mặt buồn rười rượi. Kể từ khi vợ mất đến nay thầy trở thành kẻ không nhà khi bị gia đình bên vợ đem trả về nhà cha mẹ đẻ.

Khổ nỗi cha mẹ đẻ Kpă đã mất từ lâu, nhà lại toàn con trai nên muốn đến ở nhà anh nào thì các anh phải xin phép vợ. Vậy là Kpă xin nhà trường cho mượn một căn phòng để tá túc qua ngày.

Luật tục thời hiện đại ImageView
Thầy giáo Kpă Bâu hiện ở tạm tại phòng tập thể ngôi trường nơi anh dạy học - Ảnh: T.B.D.

Buôn trưởng Ma Lang cho biết tục lệ người M’Nông nghiêm cấm việc quan hệ bất chính và trai gái cùng họ lấy nhau. Hình thức phạt còn nặng gấp nhiều lần so với quy định của luật pháp, nếu quan hệ bất chính dẫn đến việc có con thì người đàn ông sẽ phải nộp phạt một con heo năm gang, một con trâu to béo và hàng chục triệu đồng để làm lễ cúng yàng.

Luật tục M’Nông, Ja Rai hay Ê Đê... quy định trai gái cùng họ cho dù là máu mủ cách xa nhau cả ngàn đời cũng không được phép lấy nhau. Tuy nhiên, anh em con cô con cậu, con chú con bác... cách nhau chỉ vài đời lại được phép trở thành vợ chồng. Người làng quan niệm lấy nhau gần dòng tộc như vậy “sẽ thương yêu nhau hơn, giữ được của cải để không cho người ngoài ăn hưởng”.


Vợ mất, quyền nuôi con cũng mất

“Trong làng, mình là người duy nhất được ăn học đàng hoàng, được cha mẹ cho đi học đại học, vậy mà vẫn thua cái lệ làng, nghĩ lại thấy buồn cái bụng lắm” - thầy giáo Kpă Bâu nói như mếu.

Thầy cho biết phần lớn con trai Ja Rai đều lập gia đình theo kiểu “vợ đi bắt chồng” chứ không như người Kinh hay các dân tộc khác.

Năm thầy vừa mới ra trường, đang toan tính chuyện sự nghiệp và tìm kiếm một cô giáo cùng trường cho thuận buồm xuôi gió thì bỗng một ngày kia nhà vợ kéo đến. Hôm đó, Kpă Bâu đang dạy ở trường cũng phải chạy về tức tốc, tới nơi mới tá hỏa gia đình nhà gái Rơ Chăm H’Chem, cô thôn nữ cùng buôn mà Kpă Bâu chưa biết mặt, đã “ưng cái bụng” nên dẫn cả nhà đến để... bắt Kpă Bâu về làm chồng.

Luật làng đã định, gia đình Kpă Bâu cũng không biết cách nào từ chối nên đành chấp nhận gả con trai mình cho gia đình Rơ Chăm H’Chem. Kpă Bâu kể mặc dù bị bắt về nhà vợ nhưng hôm ăn cưới, anh em họ tộc bên nhà trai cũng phải góp cả mấy chục con bò và rượu để làm lễ vật cho họ nhà gái.

Dù chú rể chưa biết mặt cô dâu nhưng rồi thuận theo ý nàng, Kpă Bâu và Rơ Chăm H’Chem cũng thành một gia đình và có hai mụn con. Ngày ngày cô dâu trẻ H’Chăm lên rẫy trồng mì, còn thầy giáo trẻ Kpă Bâu ăn mặc quần áo đẹp đạp xe lên lớp đi dạy cái chữ cho lũ học trò.

Mọi chuyện tưởng chừng êm xuôi nhưng năm 2005, Rơ Chăm H’Chem bỗng lên cơn đau tim và đột ngột qua đời. Bi kịch chồng lên bi kịch đối với thầy giáo trẻ bắt đầu từ đây. Sau khi vợ mất, cả anh em họ hàng gia đình nhà gái hùng hổ xông đến để... trục xuất Kpă Bâu, trả về nhà cha mẹ đẻ. Họ nói: “Mày nuôi con H’Chem mà giờ để nó chết đi rồi thì phải trả về nhà cha mẹ đẻ của mày, của nả, nhà cửa phải để lại hết cho gia đình để nhà gái làm vốn nuôi con”.

Bao nhiêu năm chắt chiu dành dụm, nỗi đau mất vợ chưa nguôi ngoai thì thầy giáo trẻ Kpă Bâu lại đứng trước nguy cơ mất luôn cả nhà cửa, con cái. Anh kể ngôi nhà mới đóng nên đó cũng từ tiền anh đi dạy tích cóp mấy chục năm nay, nhưng buồn nhất vẫn là họ không cho anh nuôi con.

“Mình đã cố thuyết phục với họ rồi, nhà cửa cứ cho gia đình bên vợ lấy hết, nhưng con thì để mình nuôi vì mình có điều kiện hơn. Mình làm cha thì phải lo cho con để sau này con đỡ tủi, giờ gia đình đem về nuôi hết - Kpă Bâu nói.

Không chỉ thiệt thòi vì mất vợ, mất của lại mất luôn con, mà ngay cả ngày lễ bỏ mả H’Chem, nhà Kpă Bâu cũng phải góp mấy chục con bò nạp cho gia đình bên nhà gái theo tục lệ của người Ja Rai để cúng yàng. Cha mẹ không có, bò cũng không nuôi, Kpă Bâu phải nhờ anh em họ hàng đi mượn bò của hàng xóm để nạp cho gia đình bên ngoại, chờ lúc nào có tiền mua trả lại.

Hỏi giờ có dám lấy vợ khác nữa không, Kpă Bâu trả lời thật thà theo cách của một chàng trai người Ja Rai: “Ai mà lấy mình thì phải cho mình nuôi con, nếu không thì dù có bị bắt mình cũng sẽ không theo về, ở vậy kiếm tiền gửi cho con tới khi nó học hết lớp 9 rồi mới tính tiếp”. Đến bây giờ Kpă Bâu vẫn chưa lấy vợ khác, cuối tuần mang cơm gạo, áo quần và sách vở đạp xe về nhà cũ thăm con rồi lại lủi thủi lên trường.

Phân chia tài sản


Về buôn Júk, xã Đăk Liêng, nơi đang có nhiều đồng bào dân tộc M’Nông sinh sống, nghe chúng tôi hỏi về luật tục “trục xuất chồng và phân chia tài sản”, thầy giáo La Trọng Chương, hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Tự Trọng, xã Đắk Nuê, liền “giới thiệu” cho chúng tôi một loạt ông chồng chết vợ mà thầy biết.

Ông Ma Lang, trưởng buôn Júk, xã Đắk Liêng, cho biết phần lớn đồng bào M’Nông trong buôn vẫn còn lưu giữ luật tục phân chia tài sản sau khi vợ hoặc chồng mất, tuy nhiên thường thì trong việc phân chia này các ông chồng vẫn là người thiệt thòi hơn do người M’Nông theo chế độ mẫu hệ.

Ông Ma Lang kể mới đây xảy ra câu chuyện đau lòng trong gia đình của ông Y Búk Buôn Đáp và bà H’Dâu Jú. Mặc dù sống với nhau gần hết đời nhưng cặp vợ chồng này vẫn không có con. Năm 2003, bà H’Dâu lâm bệnh nặng và ra đi. Theo tục lệ của người M’Nông, sau khi vợ chết thì gia đình nhà họ được phép kéo đến nhà trai để tiến hành phân chia tài sản.

Không có con cái, không nơi nương tựa, sau khi bị bên nhà họ vợ dỡ một nửa ngôi nhà sàn và lấy đi nhiều đồ đạc, người làng đã dựng cho ông Y Búk một ngôi chòi nhỏ trong vườn nhà và hai năm sau đó người ta thấy ông chết với sợi dây thắt ngang cổ. Nhiều người dân trong buôn Júk cho biết từ khi vợ mất thì ông Búk lâm bệnh nặng, thường xuyên la hét và tỏ ra sợ hãi, có lẽ cái chết của ông là để giải thoát cho nỗi buồn cô đơn mà ông phải chịu đựng những năm cuối đời.

Trưởng buôn Ma Lang cho biết không chỉ Y Búk mà tất cả đàn ông M’Nông khi vợ chết đều phải tuân theo tục lệ phân chia tài sản. Việc phân chia tài sản này giờ đã tiến bộ hơn trước, vì một số trường hợp nhà gái bắt đầu lấy ý kiến nhà trai để tiến hành phân chia tài sản theo thỏa thuận, dù vậy người chồng vẫn chịu thiệt thòi nhiều hơn.

THÁI BÁ DŨNG

------------------------------------------------

Y Djăk đang học lớp trung cấp luật thì được tin cô gái cùng buôn đã “ưng cái bụng” và sắp đến hỏi anh làm chồng. Tá hỏa, Y Djăk về bàn với cha mẹ thách cưới thật cao để từ chối. Ai dè nhà gái vẫn chấp nhận mức lễ vật cao đến 20 triệu đồng. Ngày cưới, cô gái chỉ mang đến được 5 triệu đồng và hai con heo, số còn lại xin... trả dần.

Kỳ tới: Nợ truyền kiếp vì... cưới!
Về Đầu Trang Go down
giakiemsn

giakiemsn

Tổng số bài gửi : 286
Points : 668
Thanks : 49
Join date : 05/03/2010

Luật tục thời hiện đại Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Luật tục thời hiện đại   Luật tục thời hiện đại I_icon_minitimeWed May 12, 2010 9:19 am

Luật tục thời hiện đại - Kỳ 3: Nợ truyền kiếp vì... cưới

TT - Tháng 3 Tây nguyên là mùa đẹp nhất khi vào “mùa con ong đi lấy mật, con cá bơi dưới nước” cũng là lúc cô gái H’Ré Ajun chờ đợi giây phút được diện đẹp và đi cưới chồng. Thế nhưng nghĩ đến đám cưới, vẻ mặt Buôn Te (cha của H’Ré Ajun) lại buồn rười rượi vì chẳng biết lấy đâu ra tiền để hỏi chồng cho con, trong khi ông còn hai đứa nữa đang tuổi cập kê...

Luật tục thời hiện đại ImageView
Y Djắk và H’Líu Niê lấy nhau đã có hai mụn con nhưng Y Djắk cho biết vợ vẫn còn nợ mình 10 triệu đồng tiền thách cưới

Ở buôn Knar B (xã Cư M’Gar, Cư M’Gar, Đắk Lắk) những gia đình như Buôn Te không phải là hiếm và hầu hết đều lâm nợ khi cưới chồng cho con.

Vừa làm vợ, vừa... trả nợ chồng


Tháng 4 vừa qua, người làng buôn Knar B thêm một lần nữa được dự đám cưới của con gái Buôn Te. Số là cô H’Ré Ajun, con gái Buôn Te, ưng một chàng trai trong buôn nhưng gia đình chàng trai lại thách cưới lên đến nửa chục con bò, một con heo lớn và nhiều ché rượu cần, quy ra tiền mặt cũng tới hơn 20 triệu đồng!

Trước “điều kiện” thách cưới cao ngất ngưởng của nhà trai, Buôn Te lo lắng lắm nhưng vì thương con ông cũng đành bán cà phê và của nả để lấy tiền tổ chức lễ cưới linh đình mà lòng chẳng lấy gì làm vui. Vậy là sau ba đám cưới của ba cô con gái, ông đã mất gần 60 triệu đồng, tính ra cũng cả mấy chục con bò.

Chuyện thách cưới dẫn đến đổ nợ ở buôn Knar B, xã Cư M’Gar hầu như không thể đếm hết. Những người lớn tuổi cho biết người Ê Đê vốn theo chế độ mẫu hệ nên con gái được quyền đi hỏi chồng. Bởi vậy, khi một cô gái ưng cái bụng chàng trai nào đó trong buôn, gia đình nhà gái sẽ trực tiếp đi hỏi chồng.

Người con trai được quyền ra điều kiện thách cưới, việc thách cao hay thấp, nhiều hay ít còn tùy thuộc nhiều yếu tố như chàng trai có ưng cô gái hay không, gia đình nhà gái khá giả hay nghèo khó và đôi khi việc thách cưới với giá... trên trời cũng là cách từ chối khéo của nhà trai. Tuy nhiên, cũng có nhiều cô gái do quá ưng cái bụng với chàng trai nên sẵn sàng “chơi tới bến” dù nhà trai thách cưới cao ngất ngưởng, miễn sao được “rước chàng về dinh”.

Anh Y Djắk, cán bộ tư pháp xã Cư M’Gar, kể cho chúng tôi nghe một số cô gái do bị thách cưới quá cao dẫn đến việc đeo nợ hàng chục triệu đồng khi đã lấy được chồng. Y Djắk kể khi anh đang học lớp trung cấp luật bỗng được tin cô gái cùng buôn tên H’Líu Niê đã ưng bụng và sắp tới sẽ hỏi anh về làm chồng. Tá hỏa, Y Djắk về bàn với cha mẹ chỉ còn cách thách cưới thật cao may ra H’Líu Niê từ chối, ai ngờ thách đến gần 20 triệu đồng mà H’Líu vẫn quyết “theo đủ”!

Ngày cưới, cô dâu H’Líu chỉ đem được 5 triệu đồng và hai con heo, số tiền 10 triệu còn lại gia đình xin... khất, đợi khi cưới được Y Djắk về sẽ làm trả lại. Y Djắk cho biết dù sống với nhau có hai mụn con rồi nhưng số nợ này lúc nào vợ trả anh sẽ gửi cho cha mẹ đẻ để đền ơn nuôi nấng.

Đầu tháng 3 vừa rồi tại buôn Knar B cũng diễn ra một đám cưới mà để cưới được chồng cô dâu phải chấp nhận thành... con nợ. Qua nhiều mùa rẫy tìm hiểu nhau, đầu tháng 3 cả Y Mlúk và H’Doan Niê quyết định làm đám cưới. Tuy nhiên, Y Mlúk vốn là chàng trai khỏe mạnh, cường tráng, vạm vỡ như cây gỗ lớn trên rừng mà cô gái nào trong buôn cũng đem lòng yêu thương, nên gia đình anh quyết định thách cưới cao ngất ngưởng, cho dù hai người thật lòng thương nhau. Ngày đám cưới, gia đình H’Doan đem lễ vật đến cùng số tiền chỉ 8 triệu trong tổng số 25 triệu đồng mà nhà trai yêu cầu để được đón chồng về cho con gái, đồng thời xin khất nợ để sau này khi H’Doan lấy được Y Mlúk về làm lụng sẽ trả dần cho nhà trai.

Đón chúng tôi tại ngôi nhà sàn, chàng trai hiền lành mới bước qua tuổi 23 Y M’Lúc vừa gãi đầu vừa thật thà: “Hai vợ chồng mới cưới nhau nên hiện giờ vợ vẫn còn nợ mình 18 triệu, nhưng số tiền này mình cũng không được lấy mà phải trả cho cha mẹ đẻ nên giờ cả hai phải tranh thủ làm lụng góp tiền trả nợ”.

Nợ... truyền kiếp


Chị H’Hoa Buôr, phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Cư M’Gar, huyện Cư M’Gar, cho biết thách cưới là tục lệ Ê Đê truyền từ nhiều đời và thật sự trở thành gánh nặng rất lớn đối với các đôi trai gái nghèo. Người dân thường thách cưới với giá cao, khoảng 15 triệu đồng trở lên nhưng sau đó nhà gái có thể thỏa thuận để hạ số tiền xuống.

Chị Hoa kể nhiều đôi trai gái thật lòng yêu thương nhau nhưng gia đình nhà trai lại thách cưới quá cao mà cô gái lại quá nghèo nên không thể đến được với nhau; nhưng cũng có người chấp nhận bán cả nhà cửa, vay mượn, phổ biến nhất là chấp nhận cảnh nợ nần, miễn sao lấy được chồng rồi thì sau đó vừa làm vừa trả lại cho gia đình nhà trai. Nếu số tiền thách cưới quá lớn, cho đến khi chết đi mà người vợ vẫn chưa trả được cho chồng thì gia đình bên vợ hoặc anh em họ hàng phải chịu số nợ đó và tìm cách trả bằng hết mới thôi.

Già làng buôn Knar B, ông Ê Mui, cho biết người Ê Đê quan niệm việc thách cưới cũng giống như “trả nợ” cho gia đình bên họ nhà trai đã có công nuôi nấng, chăm sóc chú rể. Mặt khác, tiền bỏ ra để trả lễ thách cưới cho nhà trai cũng coi như đó là số của nả để nhà trai không coi khinh, hắt hủi. Trong đời làm già làng, Ê Mui kể nhiều vụ trai gái yêu nhau nhưng có nguy cơ tan vỡ vì nhà trai “phát giá” quá cao. Thương đôi bạn trẻ ông đành phải đứng ra phân xử, góp tiếng nói vào hạ giá thách cưới để hai người có thể thành vợ thành chồng.

Chị H’Hoa Buôr than thở tục thách cưới có từ nhiều đời, giờ người làng vẫn còn áp dụng gần như nguyên vẹn. Trước đây chưa có tiền thì người ta thách cưới nhau bằng trâu bò, ché rượu, nhưng nay là tiền mặt và vàng. Chị Hoa cũng kể mới cách đây ba tháng con gái chị là H’Trinh đem lòng yêu thương chàng trai trong buôn tên Y Hùng, nhưng gia đình Y Hùng thách cưới lên đến 25 triệu đồng. Không có tiền, nhà gái phải kỳ kèo mãi mới giảm được còn 15 triệu. Ngày đi cưới H’Trinh mới chỉ trả được 8 triệu, còn số tiền 7 triệu nhà gái xin khất, đợi khi hai đứa lấy nhau về làm kiếm tiền trả lại...

THÁI BÁ DŨNG

--------------------------------------------

Trời gần sáng, tiếng chân người chạy rậm rịch, con chim lợn đậu trên cây kơnia đầu làng kêu thảm thiết. Già làng tỉnh giấc, phán rằng: sẽ có điềm không lành. Quả thật, một lúc sau có người chạy đến báo tin A Tao đã chết “tươi” trong đêm. Ngày đưa tang A Tao mọi ánh mắt đổ dồn về phía A Thun đầy ngờ vực. Rồi có người nói luôn A Thun chính là người giết chết A Tao...

Kỳ cuối: Chết vì “nao nhũ ia”
Về Đầu Trang Go down
giakiemsn

giakiemsn

Tổng số bài gửi : 286
Points : 668
Thanks : 49
Join date : 05/03/2010

Luật tục thời hiện đại Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Luật tục thời hiện đại   Luật tục thời hiện đại I_icon_minitimeWed May 12, 2010 9:21 am

Luật tục thời hiện đại - Kỳ cuối: Chết vì “nao nhũ ia”

TT - Người Ja Rai bao đời nay vẫn lưu truyền một luật tục lạ lùng: thi lặn nước, gọi là “nao nhũ ia”. Khi nghi kỵ nhau mà không thể tự phân xử, người làng sẽ kéo nhau ra suối để “nao nhũ ia”. Ai lặn lâu hơn tức là người đó không nói dối, người ngoi lên trước phải chịu phạt nặng.

Luật tục thời hiện đại ImageView
Siu M’Lanh với tấm ảnh có hình chồng mình là ông Rơ O Tiu (đã chết vì tục lặn nước) - Ảnh: T.B.D.

Nỗi oan “ma lai”

Buôn Tào Roòng (xã Ia Pal, Chư Sê, Gia Lai) chỉ nằm cách thành phố Pleiku chưa đầy 50km. Đã bốn năm trôi qua nhưng bà Siu M’Lanh ở buôn Tào Roòng, vợ ông Rơ O Tiu, vẫn chưa hết buồn đau. Nhắc đến chồng, khuôn mặt Siu M’Lanh bỗng buồn rười rượi: “Thằng chồng nó bị chết vì thách lặn nước, thằng Siu Nhiên (con trai) nó cũng đi về với atâu (tổ tiên, ông bà) luôn rồi nên giờ nương rẫy một mình tao làm không nổi, khổ lắm”.

Ông Siu Đến, trưởng thôn Tào Ròng, kể: “Chuyện xảy ra khoảng tháng 8-2006. Những ngày đó cuộc sống buôn làng vốn bình yên bỗng bị đảo lộn từ việc ông Rơ O Tiu và con trai là Siu Nhiên (học lớp 9) cho rằng ông Rơ Lan Gan, người cùng buôn, đã xấu bụng mà bỏ thuốc thư vào người thằng Siu Nhiên. Nguyên nhân cũng bắt đầu từ việc thằng Siu Nhiên đang khỏe mạnh cường tráng bỗng dưng đổ bệnh nặng, máu từ miệng cứ thế mà chảy ròng ròng đến nỗi không ăn không uống gì được. Bỗng một đêm thằng Nhiên lên cơn vật vã, trong cơn mơ nó la hét và bảo rằng nó gặp thằng Rơ Lan Gan ở cùng buôn, thằng Gan nói chính nó đã “thư” lên người nên thằng Nhiên mới bị bệnh”.

Nghe vậy, sáng hôm sau hai cha con Rơ O Tiu và Siu Nhiên chạy sang nhà Rơ Lan Gan giọng đằng đằng sát khí: “Chính mày đã bỏ con ma lai vào người con tao, giờ mày phải bắt nó ra không thì lũ làng sẽ xử tội mày”. Nghe vậy Rơ Lan Gan ngớ người nhưng càng chối lại càng bị xa lánh. Từ ngày bị đổ tội có thuốc thư, Rơ Lan Gan bị người làng cô lập hoàn toàn. Quá phẫn uất, Rơ Lan Gan bèn chạy sang nhà Rơ O Tiu đề nghị hai bên cùng ra suối lặn nước theo tục của người Ja Rai để chứng minh cái bụng của mình.

Mọi thứ chuẩn bị xong, một buổi chiều giữa tháng 8, con suối Ia Pát cách buôn làng gần nửa ngày đi bộ được chọn làm địa điểm “tỉ thí” trước sự chứng kiến của hàng trăm người làng. Sau khi cúng yàng xong, cả Rơ Lan Gan và Rơ O Tiu lao mình xuống nước.

Thế nhưng, mãi tới gần chục phút sau vẫn chẳng thấy ai ngoi lên, người làng bỗng tá hỏa khi thấy cái lưng của Rơ Lan Gan trồi lên với dấu hiệu bất thường. Trai tráng được lệnh nhảy xuống thì đã quá muộn, Rơ O Tiu đã chết ngạt. Rơ Lan Gan cái bụng cũng căng đầy, phải nhờ đến thầy giỏi mới cứu nổi. Mãi tới bây giờ nhắc lại chuyện cũ ông Rơ Lan Gan còn khiếp sợ và thu mình vào góc nhà sàn.

Phó chủ tịch UBND xã Ia M’Lah (huyện Krông Pa, Gia Lai), ông Võ Quang Huy, ngao ngán: “Thỉnh thoảng tôi lại được mời đi chứng kiến cuộc lặn nước giữa người làng với nhau, và phần lớn vụ nào biết được chúng tôi cũng huy động lực lượng công an, cán bộ tìm cách ngăn chặn để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc. Ông Huy cũng nói giờ đây tục lặn nước vẫn được coi như biện pháp đầy bất trắc để người làng phân xử với nhau.

“Luật làng” và luật pháp

Suốt cả ngày hôm đó trời mưa, toàn bộ dân làng Đăk Rao Nhỏ (xã PôKô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) không ai buồn lên rẫy, lên nương mà tụ tập về nhà rông của làng để nghe già làng xử tội A Thun, “nghi can” trong vụ làm chết người trước đó.

Cả làng giơ tay biểu quyết thống nhất đuổi A Thun ra khỏi làng. Không nhận tội mà cái miệng A Thun cự cãi hoài và nhất định nói “Không đi đâu cả vì không làm A Tao chết” khiến cuộc xử theo tục lệ của làng càng lúc càng “nóng”. Cuối cùng để khẳng định tội trạng của A Thun là chính xác, họ bèn lôi A Thun xuống suối Đăk Mor, mé sông PôKô để nhấn chìm xuống nước. “Nếu không chết thì nó không phạm tội!”, già làng quả quyết vậy.

Câu chuyện bắt đầu từ lễ hỏi của A Nạp, con trai ông A Bai, “bắt vợ” cùng làng Đăk Rao Nhỏ, mọi người trong làng tụ tập đông vui uống rượu chúc mừng. Đến dự buổi uống rượu hôm đó còn có A Thun, A Tao. Khi đã ngà ngà, A Tao và A Thun cãi vã kịch liệt. Được mọi người can ngăn nên ai về nhà nấy. Trời gần sáng, tiếng chân người chạy rậm rịch, con chim lợn đậu trên cây kơnia đầu làng kêu thảm thiết. Già làng tỉnh giấc, phán rằng: “Sẽ có điềm không lành!”. Một lúc sau có người chạy đến báo tin A Tao đã chết “tươi” trong đêm. Rồi có người nghi ngờ vì chính cái miệng A Thun trong khi uống rượu và cự cãi với A Tao đã nói “tao cho mày chết!”.

Chín thanh niên trai tráng trong làng xung phong “thi hành án”, bắt A Thun đưa đi dìm nước. Họ dùng dây rừng mắc vào cổ và lôi A Thun đi. Hết dìm nước lại đánh đập. Đến khi A Thun không còn cựa quậy nữa họ mới buông tha. Mặc cho vợ A Thun là chị Y Tiên kêu khóc thảm thiết, nhưng cái bụng không ai chịu bỏ vào, cái tai không ai thèm nghe dù chỉ một lời.

Sau khi A Thun chết, Công an tỉnh Kon Tum đã vào cuộc điều tra. Kết cục chín thanh niên tham gia dìm nước làm chết A Thun bị bắt giữ. Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum mở phiên tòa xét xử công khai, cả chín người đều lãnh án nặng, ít thì 6-7 năm tù giam, nhiều nhất là A Oanh tới 9 năm 6 tháng tù giam. Đến nay có sáu người do chấp hành tốt nên đã ra tù. Còn A Dít, A Nur và A Oanh vẫn đang phải chấp hành hình phạt.

Nhắc lại chuyện cũ, A Giáo, cán bộ Mặt trận thôn Đăk Rao Nhỏ, kết rằng: Từ đó đến nay trong làng không hề để xảy ra xích mích, nếu có thì mời cán bộ đến giải quyết chứ không dám tự ý đưa ra xử tại làng nữa.

THÁI BÁ DŨNG - TRẦN THẢO NHI

“Nhiều luật tục hà khắc vẫn đang tồn tại”

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trương Bi, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du Lịch Đắk Lắk, luật tục chính là những quy định bất thành văn được các buôn làng đặt ra và lưu truyền từ xưa đến nay.

Bản chất của luật tục là hoàn toàn trong sáng và nghiêm khắc nhằm trừng trị thói ăn gian nói dối, những việc làm xấu xa trong đời sống cộng đồng... nhưng khi áp dụng lại quá hà khắc, rùng rợn vô tình trở thành hủ tục. Những hình phạt như nhúng tay vào nồi nước sôi, đổ chì nóng vào tay, lặn nước hay phạt ăn máng heo... chính là những hủ tục cần phải được xóa bỏ.

Để thay đổi, theo ông Bi, cách tốt nhất là vận động những người đứng đầu buôn làng như hội đồng già làng, nữ chúa, trưởng thôn... đi tham quan bên ngoài, hoặc thành lập các tổ chức hòa giải có sự tham gia của cán bộ và những người có vị trí trong buôn làng để hóa giải các vụ kiện tụng, thách đố hoặc phạt vạ lẫn nhau.
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Luật tục thời hiện đại Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Luật tục thời hiện đại   Luật tục thời hiện đại I_icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 

Luật tục thời hiện đại

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 

 Similar topics

-
» Xét tuyển NV2 đại học, cao đẳng: Nhiều trường “lách luật”
» Tư vấn nhóm ngành xã hội nhân văn, luật, quân đội, công an
» Các mẫu áo mà bạn Hiền vừa nghĩ ra
» Tin buồn! mẹ bạn Hiền vừa mất
» Đơn giản chỉ một tờ " quảng cáo".. vậy thôi!!
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Gia Kiem Student Network :: CHUYỆN TRÒ CUỘC SỐNG :: Cùng Đọc Và Suy Ngẫm-
Chuyển đến 
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất